Lo âu là một trạng thái căng thẳng cảm xúc, là sự đáp ứng không phù hợp với các kích thích của cơ thể và môi trường, có nghĩa là không có yếu tố gây lo hoặc yếu tố gây lo đã mất đi mà vẫn còn lo lắng, căng thẳng. Lo âu là bệnh phổ biến và tăng cao ở xã hội phát triển, xã hội càng tiên tiến thì người dân càng có nguy cơ mắc rối loạn này.
Cơ thể và tinh thần là một khối thống nhất nên khi chúng ta ở trạng thái cẳng thẳng thì không chỉ có các phản ứng về mặt tinh thần mà còn có những phản ứng của các cơ quan bộ phận cơ thể. Do đó trong rối loạn lo âu luôn có các triệu chứng cơ thể đặc trưng, nó cũng làm cho nhiều người nhầm lẫn với các bệnh lý cơ thể khác khi không có nhãn quan nhận định đầy đủ.
Chính vì các triệu chứng cơ thể này mà làm cho người bệnh lo lắng nhiều hơn dẫn đến lo lại làm các triệu chứng cơ thể tăng nặng dẫn đến càng lo âu nặng hơn. Đó là một vòng luẩn quẩn, đến một mức nào đó người bệnh có thể xuất hiện cơn hoảng sợ, cảm giác như sắp chết và mỗi lần lên cơn là đòi đi cấp cứu (VD: khi lo âu thì mạch nhanh, huyết áp tăng dẫn đến người bệnh liên tục đo mạch huyết áp khiến người bệnh lo hơn dẫn đến mạch huyết áp lại càng tăng cao hơn nữa) I. ĐẶC ĐIỂM ĐẶC TRƯNG TRIỆU CHỨNG
+ Lo âu và hoảng sợ không có chủ đề rõ ràng, vô lý.
+ Lo âu kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng.
+ Mất ngủ, ăn kém.
+ Rối loạn thần kinh thực vật.
Một số người bệnh lo âu có thể hồi phục hoàn toàn và với những người khác thì cần phải điều trị làm giảm nhiều triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng tới học tập, giảm khả năng làm viêc, giảm chất lượng cuộc sống, cũng như tăng tỉ lệ mắc các bệnh cơ thể khác. II. TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP
Lo âu thường có các triệu chứng cơ thể, đặc biệt là rối loạn thần kinh thực vật nổi trội nên người bệnh thường đến các chuyên khoa nội trước khi đến với chuyên khoa tâm thần. Một số triệu chứng của lo âu được mô tả như sau:
☘️ Các triệu chứng căng thẳng tâm thần: lo âu, bồn chồn bất an không thể thư giãn, nóng ruột, căng thẳng, khó tập trung suy nghĩ, căng đầu, chóng mặt, choáng váng, cảm giác không vững, dễ giật mình, cáu gắt, sợ mất kiềm chế, sợ chết, mất ngủ, ăn uống kém.
☘️ Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật: hồi hộp, tim đập nhanh, đánh trống ngực, vã mồ hôi, run tay chân, khô miệng, cảm giác khó thở, cảm giác nghẹn, hụt hơi, đau hoặc khó chịu ở ngực, buồn nôn hoặc khó chịu ở bụng, nóng rát thượng vị, buồn nôn, nôn khan, đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón, da mồ hôi, nổi da gà, lúc lạnh lúc nóng.
☘️ Các triệu chứng căng thẳng toàn thân: tê tay chân, cơn đỏ mặt hoặc ớn lạnh, tê cóng, cảm giác kim châm, căng cơ, đau đớn.
☘️ Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: gây suy giảm chức năng, giảm chức năng học tập, ảnh hưởng công việc, tăng tỉ lệ mắc bệnh khác, tăng tỉ lệ tử vong khi có một bệnh nền nguy hiểm khác. III. NGUYÊN NHÂN
☘️ Stress (sang chấn tâm lý): có thể là các sang chấn tâm lý mạnh, xảy ra đột ngột cấp tính như thảm họa, tổn thất kinh tế nặng nề, đánh nhau, tai nạn nặng nề, chứng kiến cái chết khốc liệt, mất người thân, ly hôn... Cũng có thể là các sang chấn nhẹ lặp đi lặp lại nhiều lần gây xung đột nội tâm như mâu thuân tại nơi làm việc, mâu thuẫn vợ chồng, nợ nần kinh tế, mắc các bệnh mãn tính…
☘️ Nhân cách: thường xảy ra ở những người hay lo lắng, suy nghĩ, dễ xúc động, khó làm chủ bản thân, tính cách cầu toàn, cẩn thận, kỹ tính,…
☘️ Các yếu tố khác: mắc một số bệnh cơ thể như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy gan, suy thận, lupus ban đỏ. Sử dụng một số chất kích thích như rượu, các loại ma túy… IV. PHƯƠNG PHÁP
Đây là một trong những rối loạn có thể chữa được và chữa tốt nếu người bệnh phối hợp và tuân thủ kế hoạch điều trị. Điều trị có thể giúp kiểm soát các cơn hoảng sợ, hay cơn lo âu, và kiểm soát các triệu chứng của lo âu cho phép người bệnh có cuộc sống trọn vẹn và có ích. Để có kết quả tốt nhất, cần phải phối hợp giữa điều trị bằng thuốc và các phương pháp khác.
Cần phối hợp các phương pháp:
☘️Điều chỉnh lối sống: nghỉ ngơi hợp lý, cân bằng hài hòa giữa lao động và nghỉ ngơi, thư giãn để tăng cường sức đề kháng với stress, ăn uống, dinh dưỡng, tập thể dục hay giữ cơ thể khỏe mạnh, không để tăng cân hay xuống cân quá nhanh, quản lý tốt thời gian…
☘️Liệu pháp thư giãn: có tác dụng làm giảm nhịp tim, nhịp thở để đối kháng lại phản ứng stress. Có 2 nhóm là thư giãn động và thư giãn tĩnh. Thư giãn tĩnh là tập trung vào việc ngồi hoặc nằm yên tĩnh tập trung vào viêc kiểm soát việc thở (thiền, Yoga). Thư giãn động tập trung vào việc dịch chuyển và làm căng cơ.
☘️Liệu pháp nhận thức hành vi: chú trọng đến đánh giá chủ quan của người bệnh về tình huống gây stress làm cho quá trình thích nghi, đương đầu với stress tốt hơn. Người bệnh cố gắng nhận diện những kiểu suy nghĩ tiêu cực của mình, tự đấu tranh với những niềm tin tiêu cực, sau đó biến đổi hành vi nhận thức: thay đổi thành những lời nhận xét tích cực về bản thân.
☘️Thuốc
Những người mắc các rối loạn lo âu nên đến khám, tư vấn sớm tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần, các chuyên gia tâm lý.
Sử dụng các nhóm thuốc chống trầm cảm-lo âu, an thần kinh liều thấp, giải lo âu, bổ sung các loại thuốc như vitamin nhóm B, C, Magne, Canxi. CHÚ Ý: không lạm dụng thuốc giải lo âu (seduxen, lexomil, rivotril, …) để tránh tình trạng nghiện thuốc. Nếu đã nghiện thuốc thì bệnh trở lên thực sự khó chữa. ------------------------------------------------------------------------------------------------ PHÒNG KHÁM MINH TÂM
✅ Địa chỉ Phòng khám Minh Tâm: NV3A khu nhà ở thấp tầng Licogi 13 – số 164 Khuất Duy Tiến, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội (ngang cột 202 đường vành đai 3 - gần ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương)
✅ Hotline: 0904.113.629 - 0965.008.669
✅ Fanpage: https:/www.facebook.com/pkbsminhtam
✅ Youtube: Phòng khám TS.BS Dương Minh Tâm
✅ Email: lienhe.pkminhtam@gmail.com ⏰Lịch khám bệnh trực tiếp từ bác sĩ và phòng khám Minh Tâm:
+ Thứ Hai đến thứ Sáu: 17-19h
+ Thứ Bảy: Phòng khám nghỉ
+ Chủ nhật: sáng 8-11h; chiều 15-18h
--- TÂM TRÍ KHỎE - SỐNG AN VUI ---
#pkbsminhtam #phongkhamminhtam